Thúc đẩy sản xuất bền vững ngành dệt may Việt Nam

Trong giai đoạn đầu triển khai, chương trình sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng và nước tại khoảng 30 nhà máy trong vòng 12 tháng tới để giúp các nhà máy giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Ngành dệt may, may mặc và giày dép là ngành có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Việt Nam. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 39 tỷ USD và tạo ra khoảng 3 triệu việc làm, trong đó hầu hết là dành cho nữ giới.

Dệt may cũng là ngành sử dụng nhiều năng lượng và nước và có tiềm năng giảm 20% hoặc nhiều hơn nữa lượng tài nguyên tiêu thụ thông qua việc áp dụng những công nghệ mới nhất và những thực hành tốt nhất về sử dụng tài nguyên.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định: "Với sự tham gia ngày càng nhiều của Việt Nam vào các hiệp định thương mại khu vực và toàn cầu, như Hiệp định và FTA Việt Nam - EU, ngành dệt may của Việt Nam đang chờ đón một sự tăng trưởng nhanh hơn đi cùng với những đòi hỏi ngày càng cao về việc sử dụng năng lượng và nước một cách bền vững".

Vị này cho biết: "Các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam tham gia chương trình này của IFC sẽ được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận tốt hơn với các thị trường toàn cầu khi áp dụng các thực hành tốt nhất về hiệu quả tài nguyên”.

Các đánh giá tại các nhà máy cung ứng của Công ty VF và Công ty Target trên toàn bộ chuỗi giá trị dệt may, bao gồm các công đoạn cắt may, nhuộm, in và giặt sẽ giúp xác định và xây dựng các giải pháp hiệu quả kinh tế để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, đồng thời cũng giúp các nhà cung ứng cải thiện năng suất và tăng khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh việc tư vấn các giải pháp kỹ thuật, IFC cũng sẽ giúp kết nối các nhà cung ứng với các nguồn tài chính thông qua các ngân hàng đối tác của IFC tại Việt Nam, dựa trên bề dày kinh nghiệm của IFC ở các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu trên thế giới khác như Bangladesh và Trung Quốc.

"Việc hợp tác với IFC tại Việt Nam sẽ giúp Tập đoàn Target thực hiện chiến lược về tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm và đạt được mục tiêu về phát triển bền vững – đó là làm cho các nhà máy sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường" - bà Ivanka Mamic, Giám đốc Bộ phận thu mua có trách nhiệm của Công ty Dịch vụ Thu mua Target thuộc Tập đoàn Target cho biết.

Trong khi đó, theo ông Brad van Voorhees, Giám đốc cao cấp về chuỗi cung ứng bền vững tại VF Asia, thuộc Tập đoàn VF, Tập đoàn này có truyền thống tạo ra những sản phẩm xuất sắc dựa trên sự tôn trọng con người và môi trường. “Chúng tôi liên tục tìm kiếm các cơ hội để mở rộng hơn nữa các cam kết trên toàn bộ các cơ sở cung ứng trên toàn cầu của chúng tôi để đạt được các tác động lớn hơn" - ông Brad van Voorhees nói.

Sáng kiến về sản xuất bền vững này sẽ giúp thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên bằng cách đánh giá một cách hệ thống các cơ hội cải thiện hiệu suất, tiến hành nghiên cứu đối chuẩn, chia sẻ thực hành công nghệ tốt nhất và nâng cao nhận thức ở cấp ngành để nhân rộng mô hình. Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ đánh giá các cơ hội cho việc sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng của chuỗi cung ứng dệt may.

Sáng kiến này là một phần trong chương trình nhiều năm về nâng cao hiệu quả tài nguyên của IFC tại Việt Nam. Chương trình đang triển khai thực hiện các cách tiếp cận tổng hợp sáng tạo để tăng quy mô tác động thông qua việc tham gia cùng với các thương hiệu toàn cầu hàng đầu và chuỗi cung ứng của họ. Chương trình cũng tiến hành các can thiệp vào một số khu công nghiệp được lựa chọn để thúc đẩy khái niệm về kinh tế tuần hoàn giữa các ngành công nghiệp ở trong cùng khu công nghiệp.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng